CHUYÊN ĐỀ PHÁT TRIỂN VẬN ĐỘNG
Phát triển vận động cho trẻ mầm non có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi cơ thể trẻ đang phát triển mạnh mẽ, hệ thần kinh, cơ xương hình thành nhanh, bộ máy hô hấp đang hoàn thiện, cơ thể trẻ đang còn non yếu dễ bị phát triển lệch lạc, mất cân đối nếu không được chăm sóc giáo dục đúng đắn thì có thể gây nên những thiếu sót trong sự phát triển cơ thể trẻ mà không thể khắc phục được. Vì vậy, chúng ta cần phải quan tâm đến việc phát triển vận động cho trẻ nhằm đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam phát triển trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần và trong sáng về đạo đức.
Thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2019 – 2020 về việc nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non. Được sự quan tâm của Sở GD và Phòng GDĐT đã tạo diều kiện cho giáo viên được tập huấn và học hỏi kinh nghiệm tại trường Mẫu giáo Vành Khuyên. Trường Mầm Non Thị Trấn Tầm Vu đã tổ chức chuyên đề cho toàn thể giáo viên trường tham dự
Mục đích của chuyên đề nhằm rèn luyện phát triển thể lực, tăng cường khả năng vận động ở trẻ. Ngoài ra, trẻ còn học được tính trung thực, tính tổ chức kỷ luật, tinh thần tập thể, lòng dũng cảm tự tin và khả năng sáng tạo. Qua các hoạt động vận động cơ bản như: đi, chạy, nhảy, quan tâm phát triển các kỹ năng tung, bắt, ném, bò, trườn, các trò chơi vận động của trẻ được các cô giáo thông qua vận động tinh, vận động thô một cách hài hòa.
Việc tổ chức chuyên đề là dịp để các giáo viên giao lưu học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ cũng như cách tổ chức các hoạt động giáo dục tuyên truyền phối hợp với các bậc cha mẹ học sinh và cộng đồng cùng quan tâm giáo dục trẻ hàng ngày tốt hơn nữa.
Các học liệu được bố trí đa dạng, hấp dẫn, tạo cơ hội cho trẻ lựa chọn và hoạt động; khuyến khích trẻ chơi theo nhiều cách sáng tạo để trẻ có thể chủ động vui chơi, tìm tòi khám phá, trải nghiệm. Kích thích trẻ tự chọn góc chơi, đồ chơi mà trẻ thích, giáo dục trẻ biết chia sẻ, cộng tác với bạn chơi. Thông qua các hoạt động trãi nghiệm, giúp trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ, tình cảm xã hội, thẩm mỹ…
Tạo môi trường vận động cho trẻ ngoài lớp học: Ngoài sân trường, bố trí khu phát triển vận động liên hoàn, sân trường vẽ các hình ảnh ngộ nghĩnh thực hiện các bài tập bật, nhảy đơn giản
Bố trí đủ dụng cụ để tập các bài tập phát triển chung, tạo sự thích thú cho trẻ như: Vòng, cờ, nơ,…
Với bài tập vận động cơ bản, tùy từng nội dung mà giáo viên bố trí phù hợp như: Ném trúng đích, trèo lên xuống thang, bò chui qua cổng, bò theo đường zic zăc,…
Để thực hiện tốt chuyên đề Phát triển vận động cho trẻ cần nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, mạnh dạn trong việc lựa chọn nội dung PTVĐ; tích cực, sáng tạo trong làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Tham gia hoạt động PTVĐ giúp trẻ phát triển các giác quan, ngôn ngữ giao tiếp, hoàn thiện các tố chất tâm lý: Mạnh dạn, tự tin, can đảm,…